Phiếm Luận

NĂM DẦN CHUYỆN CỌP

tigerani

Nghe tiếng cọp gầm click ==>

Trần Đỗ Cẩm - Austin Texas USA

Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử - Cám ơn.
Email liên lạc với tác giả:
camtran11@gmail.com



trau Theo đúng chu kỳ tuần hoàn của tạo hóa, vua Trâu tuy bản tính chậm chạp, lúc nào trông cũng đủng đỉnh, mệt mỏi như "trâu cầy quá buổi", nhưng ngày tháng như thoi đưa, thời gian ngự trị dưới dương trần cũng đã tận, tới lúc ngài “Nghé Ngọ” phải nhường ngai vàng hạ giới cho Thần Hổ. Nhân dịp đầu xuân cây cỏ tốt tươi, vạn vật phơi phới, lòng người hớn hở chờ đón vận hội mới của đất trời, cũng nên có “đôi lời phi lộ” để tiễn đưa Ngưu Ma Vương về với Thiết Phiến công chúa, và chào đón Cọp hoàng để cho phải phép, đồng thời tán hươu tán vượn về loài người dưới dương trần.

Trước khi hân hạnh mời quí vị đi sâu vào chốn rừng sâu núi thẳm để yết kiến vua cọp, chân thành kính chúc quí độc giả một mùa xuân vận hội hanh thông, gia đạo an hòa, vạn sự như ý. Ngoài ra, cũng xin nói trước rằng mục tiêu duy nhất của bài phiếm luận này chỉ để mua vui trong dịp đầu xuân trà dư tửu hậu, không hàm ý phê bình hay chỉ trích bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào. Vì vậy, nếu có điều chi sơ sót hay lỗi lầm ngoài ý muốn, mong được thông cảm và lượng thứ.

Vào dịp đầu năm để khỏi mang tiếng “nói phét”, không gì bằng “nói có sách, mách có chứng”, vậy trước hết, mời qúi vị thưởng thức chuyện cọp được ghi trong sách vở khoa học.

Chúng ta thường nghe nói “Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây, không bao giờ gặp nhau”, nhưng nếu kể về địa vị đáng nể của cọp trong thế giới loài vật, Đông và Tây đã gặp nhau, vì đều đồng ý cọp là xếp. Người Việt gọi cọp là chúa sơn lâm, còn sách vở khoa học Tây Phương cũng phong cọp là vua của loài động vật bốn chân (quadrupeds) .Vì được suy tôn là chúa sơn lâm nên người Việt chúng ta kính sợ gọi cọp bằng "ông”. Vè mười hai con giáp gọi các “giáp trưởng” là con, nhưng lại cung kính suy tôn cọp là “ông” như sau:

“Tuổi Dần ông Cọp gớm ghê
Bắt người móc họng tha về non cao"

Người miền Nam cung kính gọi cọp bằng các tên ông cọp hay ông kẹ, trong khi người Bắc gọi là ông hổ, ông kễnh, ông hùm hay ông ba mươi.

Trong sách vở khoa học, cọp có tên chính thức là Tigris, tiếng Ăng Lê là Tiger, tiếng Pháp là Tigre. Tigris theo nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp là mũi tên, nên cũng được người vùng vịnh Ba Tư dưới thời Alexander Đại Đế (Alexander The Great) dùng để đặt tên cho một con sông lớn nước chảy xiết và nguy hiểm nhất trong vùng thuộc địa phận nước Iraq, đó là sông Tigris còn mang tên cho tới bây giờ. Nguyên vùng vịnh Ba Tư thuộc hai nước Iran và Iraq ngày nay là lưu vực của hai con sông lớn Tigris và Euphrate nên hồi xưa được gọi là vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) . Dưới thời Alexander Đại Đế, vùng này rất phong phú, cường thịnh và có nền văn minh cao nên thường đưa quân đi xâm chiếm các quốc gia lân cận trong vùng. Khi viễn chinh sang đánh Ấn Độ, đoàn quân của Alexander Đại Đế, ngoài việc bị bất ngờ vì món cà ri nị vừa cay vừa nồng, còn thường bị những con vật lạ, chưa từng thấy trong vùng Lưỡng Hà, trông giống như con mèo lớn nhưng rất mau lẹ, dữ tợn tấn công gây nhiều thiệt hại. Vì loài vật kỳ lạ này chạy mau như tên bắn và cũng ầm ầm dữ dội, nguy hiểm như giòng nước chảy mạnh của sông Tiris nên người Lưỡng Hà đặt tên loài vật mới thấy này là Tigris.

cop 1 Kể về chủng loại, cọp, sư tử và báo đều là những con mèo lớn nên được xếp vào họ Panthera vì âm quản chúng được cấu tạo đặc biệt giống như của … phái nữ, khi giận dữ có thể gầm rống rất lớn tiếng. Do đó, tên khoa học của loài cọp đúng ra là Panthera Tigris để phân biệt với các động vật cũng thuộc họ Mèo Panthera khác như báo (leopard), beo gấm (jaguar) v.v... Loài cọp lại chia thành nhiều giống vời hình dáng và đặc tính hơi khác nhau tùy theo thủy thổ nơi địa phương cư trú.

Để tiện phân biệt, giống cọp thuộc vùng Ấn Độ có tên là Panthera Tigris Tigris. Đây tuy là giống cọp chính nhưng lại không phải là loại to lớn nhất. Giống cọp Siberian giữ ngôi vị quán quân to con này. Cũng cần nói thêm, về kích thước của cọp, trước đây người ta thường đo từ đầu tới đuôi theo sát đường cong của thân hình nên dài hơn thực sự. Sau này mọi người đồng ý về lối đo chính xác hơn bằng cách đặt cọp nằm sấp dưới đất, khoảng cách từ mũi tới đuôi được coi là chiều dài.

Cho tới nay, con cọp đực giống Ấn Độ dài nhất đo được 11 feet 5.5 inches, nặng nhất là 570 lbs. Cọp cái ngắn hơn chừng 1 foot, nặng nhất là 360 lbs. Bình thường, cọp Ấn Độ có chiều dài trung bình chừng 10 feet và nặng chừng 450 lbs con cái ngắn hơn khoảng 1 foot và nhẹ hơn chừng 100 lbs. Cọp Ấn Độ sinh sống trong một vùng rất rộng lớn, từ chân núi Hy Mã Lạp Sơn cho tới châu thổ sông Hằng Hà (Gange). Cọp thích hợp dễ dàng với môi trường sinh sống nên có mặt hầu hết mọi nơi. Loại cọp ở vùng rừng núi có mầu lông và vết vằn nhạt hơn để dễ lẫn vào cây rừng cũng như vách đá. Loại cọp ở vùng châu thổ có thể bơi qua sông lạch dễ dàng.

Giống cọp tại bán đảo Đông Dương gồm ba nước Việt, Miên, Lào có tên khoa học là Panthera Tigris Corbetti. Tuy gọi là cọp Đông Dương nhưng giống này sinh sống từ vùng Nam Ấn Độ qua bán đảo Đông Dương, xuống tới Mã Lai và lên tận cả miền Nam Trung Hoa. Cọp Đông Dương vì ở miền nhiệt đới là xứ nóng nên có diện tích da lớn hơn so với sức nặng để dễ dàng giảm thân nhiệt dưới dạng toát mồ hôi, do đó hơi nhỏ con, dài trung bình 8 feet 3 inches.

Tại Nam Dương có giống cọp Sumatra nhỏ con hơn cọp Đông Dương nhưng màu đậm hơn, tên khoa học là Panthera Tigris Sumatrae. Cũng tương tự như bên Ấn Độ, cọp Sumatra sinh sống trong nhiều vùng có địa thế khác nhau, từ nơi đồng lầy, rừng rậm cho tới khu bờ biển.

Cọp Java, Panthera Tigris Sondaica, còn nhỏ hơn với màu lông trông rất đậm vì các vằn đen gần nhau hơn. Giống cọp Panthera Tigris Balica nhỏ nhất sinh sống tại vùng Bali ngày nay hầu như đã gần tuyệt chủng vì bị săn bắt và mất môi trường sinh sống

Vùng Bắc Trung Hoa có giống cọp Panthera Tigris Amoyensia. Giống này sinh sổng từ miền rừng núi phía Bắc thuộc tỉnh Shansi cho tới đồng bằng phương Nam thuộc tỉnh Phúc Kiến xuống tận bờ sông Dương Tử là biên giới của giống cọp Đông Dương. Cọp Trung Hoa vì sống ở xứ lạnh nên lông dầy và đuôi rậm hơn, do đó trông rất to con nhưng thật ra chỉ tương đương với cọp Ấn Độ.

cop 2 Giống cọp Tây Bá Lợi Á, Panthera Tigris Altaica, vì sống nơi cực lạnh quanh năm băng tuyết nên lông không những dầy hơn, mà còn có một lớp mỡ để chống lạnh tương tự như loài gấu Bắc Cực, nên rất to con, dài trung bình 11 feet và nặng chừng 650 lbs. Cọp Siberia, đôi khi còn gọi là cọp Amur hay cọp Manchurian (Mãn Châu) trước đây sinh sống tại Nga, Đại Hàn và Mãn Châu nhưng ngày nay còn lại rất ít, chỉ quanh quẩn tại lưu vực sông Arun. Tại vùng biển Caspian phía tây Thổ Nhĩ Kỳ và bắc Iran có giống cọp Caspian (Panthera Tigris Virgata, nay đã coi như tuyệt chủng. Giống cọp này cũng rất lớn con. chỉ thua cọp Siberia chút ít.

Đặc biệt, cọp là loài vật khởi hủy chỉ có tại Á Châu. Thuở trước lúc nhân loại còn sống gần với thiên nhiên, có rất nhiều dã thú cũng như cọp sống trong những khu rừng bạt ngàn hoang dã không có bóng người. Nhưng dần dần dân số trên thế giới gia tăng, cần thêm đất đai để cư ngụ, và đời sống cũng trở nên văn minh phức tạp hơn, nên môi trường sinh sống của cọp bị loài người xâm lấn; cọp lại bị tàn sát săn bắn coi như môn thể thao hay bị lùng bắt để lấy da hay làm thuốc nên số lượng ngày càng giảm, nhiều giống đã bị tuyệt chủng.

Trước đây tại Ấn Độ, cọp nhiều đến độ có người cho rằng không biết người hay cọp thật sự làm chủ xứ này. Số lượng cọp có nhiều nhất vào khoảng đầu thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, ước lượng có chừng 40,000 cọp tại Ấn Độ và khoảng 100,000 tại các quốc gia Á Châu khác. Hiện nay sống ngoài thiên nhiên hoang dã, chỉ còn chừng 30 đến 80 cọp Nam Trung Hoa, 150 đến 200 cọp Tây Bá Lợi Á, 600 đến 650 cọp Sumatra. Mặc dù có những khu rừng rất thích hợp, nhưng giống cọp Đông Dương tại Mã Lai đang suy giảm rất nhanh, từ khoảng 3,000 con vào năm 1954 xuống còn chừng 600 - 700 vào năm l978 và số lượng này vẫn còn giảm sút. Tại Thái Lan hiện có chừng 500 con cọp và cũng trên đà đi xuống. Số lượng cọp tại Đông Dương cũng chỉ còn khoảng 500 con. Các nhà động vật học ước lượng chỉ còn chừng 5,000 con cọp sống trong rừng rậm rải rác khắp thế giới.

Một trong những lý do chính khiến cọp gần như bị tuyệt chủng vì ngay từ ngàn xưa, loài người đã là kẻ thù nguy hiểm nhất của cọp. Người ta giết cọp bằng đủ phương cách và khí giới, tùy theo địa phương và thế đất. Dân Ấn Độ dùng voi để săn cọp nơi rừng rậm. Nơi địa thế trống trải, lưới được dùng để lùa cọp sa vào. Cách bắt cọp giản tiện và hữu hiệu nhất là dùng hố bẫy. Thợ săn đào một hố sâu trên phủ một lớp cỏ tại nơi cọp thường qua lại rồi để mồi bằng một con heo hay nai dưới hố. Cọp tham mồi sẽ bị sa xuống hố. Các loại vũ khí như cung tên, giáo mác và nhất là súng ống cũng rất hiệu qủa để săn cọp. Đa số dân Á Châu chỉ săn cọp do tự vệ vì cọp hay bắt gia súc hay bắt người, nhưng người Tây Phương và các bậc vua chúa lại săn giết cọp như một môn thể thao để chứng tỏ sức mạnh vạn năng của mình, nhất là vào khoảng thế kỷ 18, 19 khi người Anh tới chiếm Ấn Độ.

Dưới thời nữ hoàng Victoria, một người Anh tên George Yule thuộc đội quân Bengal, Ấn Độ đã giết đến 400 con cọp trong vòng 25 năm, sau đó ông không đếm thêm nữa. Đại Tá Rice người Anh cũng giết gần 100 con cọp chỉ trong trong vòng 4 năm từ 1850 đến 1854. Một người Anh khác tên Montague Gerard tính cho tới năm 1903 đã giết 227 con cọp tại vùng Trung Ấn Độ. Tuy nhiên, số cọp bị người Anh giết chưa thấm vào đâu so với các vua chúa Ấn Độ. Kỷ lục có lẽ thuộc về tiểu vương xứ Surguja đã giết 1,150 con cọp. Tiểu vương xứ Scindia giết 700 trong khi những khách mời của ông ta giết thêm chừng 200 con cọp nữa. Kể từ năm 1933, thủ tướng xứ Nepal đã giết 295 con cọp trong vòng 7 năm. Các tiểu vương xứ Udaipur , Kotah và Jaipur cũng tàn sát rất nhiều cọp. Người Pháp khi chiếm Đông Dương cũng giết vô số cọp tại các quốc gia Việt, Miên và Lào.

Trong thành tích giết cọp, kích thước của con cọp bị giết cũng quan trọng như số lượng bị hạ. Giết cọp cỡ 10 feet được coi như đạt thành tích cao; nếu cọp dài trên 11 feet được coi là kỷ lục. Đa số nhửng bậc vua chúa hay dân giàu sang săn cọp vì muốn chứng tỏ uy quyền và mạnh mẽ hơn cả chúa sơn lâm!

Về môi trường sinh sống, tại Trung Hoa, có những khu rừng rậm bị tàn phá hoàn toàn chỉ vì dân chúng tới kiếm củi nấu ăn! Rừng rậm tại Nam Dương, Mã Lai, Trung Hoa và Ấn Độ cũng bị phá hủy để làm làng mạc cư ngụ, trồng cấy hay khai thác hầm mỏ. Rừng tại các quốc gia Đông Dương cũng bị chiến tranh làm hư hại nhiều. Đặc biệt tại Việt Nam, hàng triệu mẫu rừng bị bom đạn và hóa chất tàn phá, Việt Cộng còn phá rừng chặt gỗ quí bán cho ngoại bang khiến muông thú không còn môi trường sinh sống. Tuy chồi non và cây cối tại những khu rừng hoang bị phá hủy này có thể dần dần sẽ mọc lại, tạo nên môi trường thích hợp cho thú rừng sinh sản, nhưng tốc độ tàn phá còn nhanh hơn nhiều so với mức phục hồi. Việt Nam đã không quan tâm tới chương trình bảo vệ muông thú và rừng cây, lại còn phá hủy thêm môi sinh bằng những kế hoạch vô trách nhiệm như để người Tàu lập khu hầm mỏ khai thác bâu xít tại Tây Nguyên. Hơn nữa rừng núi tại Việt Nam còn sót lại nhiều bom đạn, mìn bẫy chưa nổ sẽ giết hại thêm nhiều sinh vật. Không còn nơi sinh sống, bị tàn sát và không được bảo tồn đúng mức là những nguyên nhân chính khiến hầu hết thú rừng tại Việt Nam gần tuyệt chủng.

Cọp trông tuy mạnh bạo, dữ tợn nhưng kể về vóc dáng cũng như bộ điệu khi di chuyển lại rất nhẹ nhàng, uyển chuyển, có rất nhiều điểm tương đồng với phái ... nữ. Có lẽ vì vậy mà trong Kinh Dịch, Cọp được dùng để làm biểu tượng cho Âm nghi, trái với Rồng là biểu tượng cho Dương nghi.

Thân hình Cọp rất cân đối, mềm mại, uyển chuyển và hấp dẫn không khác người đàn bà đẹp. Đến tướng đi lại càng giống yểu điệu thục nữ. Khi cọp bước thong thả, hai chân cùng một bên di chuyển một lúc, giống như loài lạc đà hay gấu, do đó dấu chân hợp thành hàng dọc, dấu chân sau đè lên dấu chân trước hay cao hơn dấu chân trước chừng vài ba inches nếu bước mau.

tigerrun Đặc tính chung này của những động vật thuộc chủng loại mèo khiến thân hình cọp vô cùng uyển chuyển khi bước chậm. Lúc cần bước mau hơn, cọp bước từng chân một như những loài vật bốn chân khác. Khi Cọp chạy nhanh, lúc nào cũng chỉ có một chân chạm đất. Lúc cần phóng mình để săn đuổi con mồi, hai chân sau của Cọp nhẩy phóng mạnh, xa đến 30 feet trước khi hai chân trước chạm đất, hai chân sau sẽ đặt xuống trên hai chân trước chừng vài ba inches như chụm lại để lấy thế tiếp tục nhẩy thật xa.

Cũng giống như những động vật khác thuộc họ mèo, đuôi và râu Cọp là dấu hiệu để chỉ tình trạng và thái độ của Cọp. Khi phóng mình vồ mối, đuôi cọp cong lại như một cánh cung với chót đuôi chỉ xuống đất. Khi ngủ hay nằm nghỉ ngơi, đuôi cọp nhẹ nhàng ve vẩy qua lại. Khi bị chọc tức, đuôi cọp vẫy mạnh từ bên này qua bên kia và vẫy nhanh hơn khi càng tức giận.

copluoi Các cử động của đuôi cọp thường tương xứng với những rung động của bộ râu. Thông thường, râu Cọp xuôi xuống, nhưng khi tức giận hoặc lúc săn mồi, râu Cọp dựng đứng như chổi xể. Râu Cọp rất nhạy cảm, chỉ cần sợi râu chạm nhẹ vào một vật gì dù trong đêm tối, cọp cũng có thể nhận ra vật đó, vì gốc những sợi râu này được gắn liền với nhiều giây thần kinh xúc giác. Vì vậy, từ ngữ “vuốt râu cọp” được dùng để chỉ một hành động rất nguy hiểm.

Lưỡi Cọp rất nhám, có thể bóc thịt ra khỏi xương con mồi và cũng được dùng để liếm sạch lông hay vết thương. Cọp có bốn răng nanh rất nhọn và sắc, dài chừng 3 inches dùng để cắn xé con mồi. Mười bốn răng hàm của Cọp rất cứng có thể nghiền nát cả xương, dùng để nhai mồi thành những miếng nhỏ dễ cho dễ nuốt. Cọp còn có mười hai răng nanh nhỏ dùng khi gặm mồi.

tiger eye Đặc điểm nổi bật nhất của cọp là đôi mắt. Những người đi rừng ban đêm nói rằng mắt cọp sáng rực như hai bóng đèn trong đêm tối giống như cặp mắt thần. Mắt cọp rất tinh và nhìn được xa, nhưng chỉ nhìn thấy những vật di động, dù rất ít. Mắt cọp cũng như những động vật khác thuộc họ mèo đều nhìn được qua bóng tối, một điều không thể thiếu khi săn đêm. Sở dĩ mắt cọp dường như tự phát ra ánh sáng vì có một màng phản chiếu như tấm gương rất nhậy nằm phía sau võng mô. Do đó, một tia sáng dù rất mờ nhạt cũng được phản chiếu lại từ thủy tinh thể xuyên qua đồng tử. Tia sáng phản chiếu này được gia tăng rất mạnh giống như máy nhìn ban đêm khuếch đại ánh sao trời (starlight scope) khiến nhiều người, nhất là người Á Châu tin rằng mắt cọp có thể tự phát ra ánh sáng như đèn xe hơi để nhìn qua màn đêm. Dưới ánh sáng ban ngày, mắt cọp có mầu vàng mà giới kim hoàn thường gọi là mầu "mắt cọp "(tiger's eye). Ban đêm dưới ánh trăng, mắt cọp trở thành xanh nhạt, nhưng nếu gặp ánh đèn hay đuốc, mắt cọp trở thành màu đỏ. Những người thợ săn thường nói tai cọp rất thính, có thể nghe được cả tiếng thở của thợ săn ẩn núp trong những chòi ngụy trang kỹ càng trên cây cao. Tai cọp cần phải thính để có thể tìm mồi trong đám cỏ hay bụi tre dầy hoặc trong đêm tối không trăng sao. Phía sau tai cọp còn có những đốm trắng khiến cọp con dễ nhận để đi theo khi phải di chuyển qua những khu rậm rạp.

Có lẽ giác quan kém phát triển nhất của cọp là khứu giác (mũi). Tuy nói kém nhưng đó là so sánh với những giác quan vô cùng bén nhậy khác. Thật ra cọp đánh hơi cũng rất nhậy, có thể phân biệt được mùi của những con cọp khác hay mùi của cọp cái khi tới mùa động tình.

Về lãnh thổ, mỗi con cọp đực thường hùng cứ một vùng riêng biệt rộng chừng vài trăm cây số vuông để dễ dàng kiểm mồi và làm chủ những con cọp cái trong vùng. Cọp thường đánh dấu vùng lãnh thổ của mình bằng cách tiểu tiện vào những bụi cây cách nhau chừng mươi cây số như những hàng rào vô hình để những con cọp khác biết mà tránh không vi phạm. Nước tiểu của cọp cái có mùi nồng hơn và còn dậy mùi hàng tuần lễ nếu trời không mưa. Ngoài ra phân và các vết cào trên thân cây của cọp cũng là ký hiệu đánh dấu vùng ngự trị. Tiếng gầm của cọp đôi khi cũng là dấu hiệu của uy quyền sở hữu.

Cọp cái khi động đực hay gầm rống nhưng xen lẫn với những tiếng rên rỉ để báo hiệu cho những con cọp đực trong vùng. Tiếng gọi ái tình của cọp cái luôn luôn được cọp đực trong vùng đáp ứng mau lẹ,nhưng trong khi chờ đợi, cọp cái trở nên rất hung dữ và cáu kỉnh. Thường con cọp đực tìm đến là chủ nhân của vùng lãnh thổ, tuy nhiên đôi khi cũng có những con cọp lạ xen vào. Trong trường hợp này, hai con cọp đực sẽ cấu xé nhau chí mạng trong khi cọp cái thản nhiên nằm liếm lông quan sát. Tuy đánh nhau thật lực nhưng cọp đực ít khi giết chết đối thủ, vì con nào yếu thế sẽ có nhiều cơ hội chạy trốn.

Trước khi giao hợp, cọp đực đến đứng gần cọp cái. Con cái làm dáng, ép sát thân mình vào con đực và bắt đầu "hôn" bằng cách dí mũi vào mõm và cắn nhẹ vào cổ con đực như một người vợ đáng yêu. Tuy sự chinh phục kéo dài rất vất vả và đôi khi nguy hiểm, nhưng việc giao hợp lại rất lẹ làng, chóng vánh, chỉ kéo dài chừng vài chục giây đồng hồ. Sau đó cọp cái lồng lộn dữ dội làm con đực phải tránh xa để khỏi bị thương. Có lúc cả đôi cọp đứng trên hai chân sau, đổi diện nhau vừa gầm thét vừa vả nhau có thể làm cả hai cùng bị thương khá nặng. Sau khi thố sức mạnh và quyền lực vô song của phái nữ, cọp cái nằm ngửa trên mặt đất, bốn vó chổng lên trời để nghỉ mệt. Tuy cuộc giao hợp ngắn ngủi, nhưng bù lại cọp đực có thể giao hợp liên tiếp, mỗi lần chỉ cách nhau vài phút và kéo dài như vậy trong nhiều ngày. Trung bình, đôi cọp có thể giao hợp hàng trăm lần trong vòng ba, bốn ngày!

tigron Cọp cái mang thai chỉ trong vòng mười lăm tuần lễ đã sinh con, do đó, cọp con rất nhỏ, chỉ nặng chừng một kí lô. Mỗi lứa, cọp chỉ đẻ vài ba con. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, cọp có thể chung sống với loài sư tử Á Châu (Asian lion), tên khoa học là Panthera Leo Persica, có cùng "giống" (genus) với cọp. Cọp cái giao hợp với sư tử đực sẽ sinh ra con loài "Ligers" là tiếng tắt của “Lion” và “Tiger”. Cọp đực giao hợp với sư tử cái đẻ ra giống "Tigrons" là tiếng tắt của “Tiger” và “Lion”.

Để sinh sổng, cọp thường săn bắt những thú rừng lớn làm mồi. Hươu, nai, trâu rừng, bò rừng là những mồi ngon của cọp Khi săn mồi, cọp thường phục kích, ẩn núp kín đáo trong những bụi cây hay đám cỏ tranh rồi bất thần tấn công từ phía sau. Đối với con mồi nhỏ, cọp cắn vào sau gáy để cắt đứt tủy sổng khiến con mồi bị tê liệt. Nếu gặp mồi lớn và khỏe như trâu, bò rừng, cọp bấu chặt vào cổ và cắn đứt cuống họng để con mồi bị nghẹt thở chết. Đôi khi vì thiếu mồi, cọp bắt cả những con heo rừng nặng tới 500 lbs hay những con nhím toàn lông nhọn để ăn. Heo rừng da dầy, nanh nhọn và dài như cặp sừng, rất nguy hiểm có thể húc cọp lủng bụng lòi ruột dễ dàng. Còn nhím vừa nhỏ lại có lông cứng có thể bắn ra như mũi tên gây thương tích nặng cho cọp.

Cọp đôi khi ăn cả thịt người. Ấn Độ là nơi có nhiều người bị cọp ăn thịt nhất. Đa số những con cọp ăn thịt người sau khi bị bắn chết đều thấy đã già yếu hay bị thương không còn đủ sức mạnh săn bắt thú rừng. Những con cọp yếu sức này thường quanh quẩn một chỗ, tiếp tục bắt người để ăn vì người là con mồi dễ săn nhất. Do đó, người ta nói rằng cọp ăn thịt người nhiều sẽ thành tinh, hay cọp ba chân dữ dằn chỉ ghiền ăn thịt người. Thật ra, cọp bắt người chỉ là bất đắc dĩ vì không còn khả năng để săn dã thú khác; còn cọp ba chân là cọp đã bị thương.

Cọp tuy cùng được sắp hạng vào họ Mèo Panthera nhưng lại không biết trèo cây như mèo và báo. Đôi khi người đi rừng thấy cọp đứng trên hai chân sau, còn hai chân trước cào vào gốc cây, dường như muốn trèo. Thật ra, không phải cọp tập trèo mà đang chùi móng vuốt ở hai chân trước. Móng cọp có thể thu lại, thụt vào dấu dưới lớp da ở đầu ngón chân, vì đốt xương cuối cùng của ngón chân cọp được nối với một giây gân đàn hồi như một sợi cao su rất mạnh. Khi di chuyển, cọp thu móng lại khỏi vướng víu để chạy cho nhanh, chỉ khi nào vồ mồi, đánh nhau hay cần chùi, cọp mới thò móng ra bằng cách dùng bắp thịt kéo sợi gân cho đốt xương lòi ra phía trước.

whitetiger Bước qua lãnh vực văn chương, nghệ thuật, tôn giáo v.v… có lẽ không loài vật nào đ ược đề cập tới nhiều như cọp. Hình ảnh của cọp như một bộ máy hoàn hảo, mạnh mẽ, chính xác, huyền bí đã là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ sáng tác. Trong Kinh Dịch, bạch hổ được dùng để tượng trưng cho mùa thu và phương tây. Người Trung Hoa cũng tin rằng bạch hổ (cọp trắng) là hóa thân của sao Alpha trong chòm sao Thất Tinh (Đại Hùng Tinh). Theo truyền thuyết trên, cọp thường phải tu luyện 500 năm mới trở thành bạch hổ, lúc đó trên trán có hình dạng chữ Vương (Wang) gồm ba gạch ngang và một gạch dọc, có nghĩa là vua. Trên thực tể, phần lớn những con cọp đều mang các vằn đen tương tự như chữ Vương trên trán, do đó cọp được coi như “chính vì vương”, trời sinh ra để làm chúa tể loài vật.

thanhbach Bạch hổ thuộc âm trong khi thanh long (rồng xanh) thuộc dương. Vì vậy, trong các đền chùa lăng miếu, người ta hay thấy tượng thanh long bên trái, bạch hổ bên phải gác hai bên cửa theo đúng phương vị "tả thanh long, hữu bạch hổ". Tuy âm và dương là hai thế lực đối nghịch như thanh long và bạch hổ, nhưng hợp lại là nguồn gốc vũ trụ. Cũng theo Kinh Dịch, hơi thở của bạch hổ tạo thành gió, hơi thở của thanh long biến ra mây. Hai hơi thở mang mầm mống âm dương này hợp lại sẽ tạo thành mưa thuận gió hòa giúp ích cho loài người. Do sự tin tưởng này, trong lúc hạn hán, người xưa thường cầu mưa bằng cách bỏ xương cọp xuống một giếng tượng trưng cho rồng để tạo thành mưa bão. Cũng vì vậy mà người xưa có câu "vân tòng long, phong tòng hổ" có nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp. Nhiều người sống trong miền rừng núi xác nhận khi một khu rừng đang yên tĩnh bỗng nổi gió ào ào, thể nào cũng có cọp xuất hiện.

Trong Phật giáo. hình ảnh đẹp đẽ, cân đối cộng với sức mạnh vô song của cọp đã được dùng để tượng trưng cho sự siêu việt và vinh quang của Đạo. Nhiều bức tranh nhà Phật vẽ hình cọp, đôi khi cùng với rồng, cạnh một rừng tre hay cái giếng. Hình ảnh những cành tre uốn cong theo chiều gió và sự hiện diện của cọp tượng trưng cho sự hòa hợp giữa mạnh và yếu. Ngoài ra, cảnh rừng tre tối đen trong cơn mưa cũng là biểu hiệu cho cõi đời ô trọc, tội lỗi mà cọp với đôi mắt sáng ngời tượng trưng cho con người phải cố sức vượt qua.

Cọp tuy là loài vật dữ tợn khiến mọi người luôn luôn muốn tránh xa, nhưng ảnh hưởng của cọp trên đời sống con người có thể nói là sâu đậm nhất so với những con giáp khác. Nhiều câu ca dao, truyện ngụ ngôn, điển tích, sách vở lịch sử ... đã chứng tỏ điều này.

Theo quan điểm Đông Phương, rồng và cọp là những con vật linh thiêng, lúc ẩn lúc hiện nên nơi ẩn thân của chúng cũng là những chỗ bí hiểm khó xâm phạm. Vì vậy, người ta thường dùng câu "hổ huyệt, long đàm" tức là “hang cọp đầm rồng” để chỉ những nơi cực kỳ nguy hiểm khó ra vào. Cọp và rồng còn tượng trưng cho âm, dương là hai thể lực đối nghịch nhưng cân xứng nên sách vở mô tả những trận so tài giữa hai đối thủ ngang tài là "long tranh, hổ đấu”. Câu “tàng long phục hổ” cũng thường được dùng để chỉ người tài thường ít lộ diện, như quân sư Gia Cát Lượng đời Hán có biệt hiệu là Ngọa Long Tiên Sinh lúc còn hàn vi sống tại Ngọa Long Cương.

Để diễn tả ý tưởng cần phải mạo hiểm, vượt qua nhiều thử thách mới mong đạt được thành quả hiển hách, tục ngữ có câu "không vào hang hùm sao bắt được cọp con". Đối với những kẻ tiểu nhân hạ tiện, vô tài bất tướng nhưng lưu manh láu cá, chuyên lợi dụng tiếng tăm của người khác để thủ lợi cho mình, người ta nói đó là những tên"cáo mượn oai hùm". Rừng là giang sơn, nơi cọp dụng võ, vì vậy có câu "thả hổ về rừng” để chỉ người được đưa tới môi trường hoạt động thích hợp. Để chỉ mỗi mỗi địa phương đều có một người cầm đầu hay chủ chốt, người ta thường nói "rừng nào cọp nấy” hoặc "một rừng không có hai cọp". Hai câu này đã diễn tả rất trung thực đặc điểm phân chia lãnh thổ riêng biệt của loài cọp.

da cop Trên cơ thể cọp, bộ da rất quan trọng và giá trị nhất. Da cọp thường có màu vàng tươi với những vằn đen nổi bật. Vì vậy, da cọp thường được lột ra rồi phơi khô để trưng bày tại những nơi quyền quí, sang trọng. Đối với con người, phẩm cách rất đáng kể tương tự như bộ da đối với cọp. Con người khi chết cũng để lại tiếng tăm như cọp để lại da, do đó có câu "cọp chết để da, người chết để tiếng". Nói về mặt ẩm thực, người ta thường nói "ăn mạnh như cọp”. Cọp ăn nhanh, ăn khỏe, có thể tiêu thụ hết một con dê dễ dàng, trong khi mèo rất khảnh ăn, thường chỉ liếm láp qua loa chút đỉnh. Vì phái nam thường ăn nhiều hơn phái nữ nên có câu so sánh "nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Trong dân gian còn truyền tụng chuyện Lê Như Hổ vào thời Lê mạt. Ông người làng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn hết một nồi bảy cơm mà chưa no.

Để ca tụng một gia đình có căn bản giáo dục vững chắc, cha mẹ thành công, con cái ăn học nên người, tục ngữ có câu "hổ phụ sinh hổ tử ", như gần đây một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ gốc Việt, con một cựu sĩ quan HQ/VNCH tỵ nạn đã được bổ nhiệm làm Hạm Trưởng một khu trục hạm tối tân của Hải Quân Hoa Kỳ. Đặc biệt vị Hạm Trưởng gốc Việt này đã đưa chiến hạm do mình chỉ huy về thăm viếng quê cha đất tổ Việt Nam.

dionydus Thông thường, chúng ta nhìn thấy bề ngoài nên khó hiểu được cặn kẽ tính tình của người khác. Nhiều kẻ hình dáng trông rất hiền từ mà tâm địa lại tàn ác. Do đó cần phải cẩn thận khi xét đoán, vì "sông sâu bể cả còn dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người", hoặc văn hoa hơn, người ta nói "họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm", nghĩa là vẽ cọp chỉ vẽ được lớp da bên ngoài, không vẽ được bộ xương bên trong, còn biết người thì chỉ biết được bộ vó, khó biết được tâm tính. Nhưng bề ngoài không hẳn chỉ là vóc dáng mà còn có thể là lời ăn tiếng nói nữa. Lắm kẻ ăn to nói lớn, hùng hùng hổ hổ tuyên bố những lời lẽ chém đinh chặt sắt rất anh hùng can đảm, nhưng khi cần hành động thì lại nhút nhát, lủi trốn trước. Chúng ta đã chứng kiến nhiều vị "miệng hùm, gan sứa", mới hôm trước còn đao to búa lớn tuyên bố huênh hoang kêu gọi tử thủ đến cùng, chạy ra ngoại quốc là hèn nhát và buồn lắm vì không có cà pháo mắm tôm mà ăn. Nhưng hôm sau đã thấy họ cùng vợ con anh dũng chiến đấu cùng hot dog và hamburger ngon lành trên chiến hạm Mỹ! Đã vậy, khi tới xứ thiếu cà pháo mắm tôm vẫn chưa biết nhục hay hổ thẹn cùng các bạn đồng đội đã tuẫn tiết không chịu hàng giặc, mà còn nỏ miệng kêu gọi hòa hợp hòa giải, rồi trở về Việt Nam ca tụng kẻ thù hầu kiếm chút cơm thừa canh cặn.

shiva durga Vì cọp có dáng điệu lẫm liệt, oai phong, hùng dũng, nên rất thích hợp để làm biểu tượng cho ngành võ. Cọp còn tượng trưng cho sức mạnh vô địch nên nhiều đạo quân anh dũng nổi tiếng kim cổ đã dùng cọp để đặt tên hay làm huy hiệu biểu tượng cho đơn vị mình.

Ngay từ ngàn xưa, trong huyền thoại Ấn Độ, thần Shiva là bậc tối thượng với quyền năng phá hủy và sáng tạo vũ trụ đã mặc áo da cọp và cưỡi cọp khi lâm trận. Đến khi bò được sùng bái thay cho cọp, thần Shiva tuy cưỡi bò nhưng vẫn dùng yên ngựa bằng da cọp. Ngay cả vợ của Shiva là nàng Durga pháp lực vô song với mười tay cầm kiếm cũng cưỡi cọp. Thần Dionysus của thần thoại Hy Lạp cũng cưỡi xe do hai con cọp cái kéo.

tipu Gần đây, vào khoảng giữa thể kỷ 18, bên Ấn Độ có vị tiểu vương xứ Mysore tên Tipu Sultan đã sùng bái cọp đến độ thờ phụng như thần vật. Ngay tên ông ta, Tipu cũng có nghĩa là cọp. Ngai vàng của ông có chân là bốn con cọp chống đỡ. Quần áo ông mặc, binh phục của quân lính, ngay cả loại khăn tay ông dùng gọi là “bubberee” cũng có sọc vằn giống da cọp. Tipu Sultan thường nói riêng chẳng thà sổng hai ngày như cọp còn hơn sống hai trăm năm như trừu. Người Anh gọi tiểu vương này là con cọp xứ Mysore (the Tiger of Myosre).

Người Á Đông cũng tin vào sức mạnh của cọp không kém, vì vậy, nơi bản doanh bàn việc quân cơ, bầy binh bổ trận của các võ tướng được gọi là "hổ trướng". Dinh cơ của các quan võ cũng thường dùng da cọp để trang trí hay làm thảm. Bên Trung Hoa, các sứ thần được vua ban Hổ trượng để tượng trưng quyền lực. Các quan võ oai dũng tài giỏi được gọi là hổ tướng. Đời nhà Trần dưới quyền chỉ huy của đức Trần Hưng Đạo, nước ta có năm vị đại tướng được phong là "ngũ hổ tướng" vì đã lập được nhiều công trạng trong các lần đại thắng quân Nguyên. Đó là các đại tướng Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản. Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật.

Đặc biệt, trong trận Thiên Mạc, hổ tướng Trần Bình Trọng gặp địch quá đông, vì ở hế "mãnh hổ nan địch quần hồ" nên bị bắt. Tuy bại trận nhưng tên tuổi ông đã đi vào lịch sử với câu nói khẳng khái bất hủ khiển giặc cũng phải kinh sợ ”thà làm qủi nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Dưới thời nhà Nguyễn khi vua Gia Long đánh nhau với quân Tây Sơn, có ngũ hổ tướng Gia Định là các ông Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Trương, Trương Tấn Bửu.

Vào thời Tam Quốc, nhà Hán Lưu Bị cũng có ngũ hổ tướng, gồm Quan Vân Trường, Trương Phi là hai anh em kết nghĩa vườn đào của Lưu Bị. Hai tướng khác là Hoàng Trung và Nghiêm Nhan tuy đã già nhưng vẫn có sức địch muôn người nên lập nhiều công lớn. Người thứ năm là Triệu Vân, tự là Tử Long danh tiếng lẫy lừng, từng một mình một ngựa xông pha giữa trăm vạn quân Tào trong trận Đương Dương Trường Bản như "hổ vào đàn dê" để bảo vệ con trai Lưu Huyền Đức là Á Đẩu.

de tham Dưới thời Pháp thuộc, ông Hoàng Hoa Thám còn được gọi là Đề Thám khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm, lấy vùng rừng núi hiểm trở Yên Thế miền thượng du Bắc Việt làm chiến khu. Đội nghĩa quân của ông đã chiến thắng giặc Pháp nhiều lần, oai danh lừng lẫy nên dân chúng kính phục tôn ông là "Hùm thiêng Yên Thế". Sau này, dân chúng trong vùng có câu tục ngữ "Trai Cầu Vồng, Yên Thế, gái Nội Duệ, Cầu Lim" để chỉ những nơi có nhiều trai anh hùng và gái thuyền quyên. Vùng Nội Duệ, Cầu Lim thuộc tỉnh Bắc Ninh là quê hương Quan Họ, nơi có nhiều gái đẹp, đa tình nổi tiếng với ngày hội Lim vào dịp tết Nguyên Đán.

Trong các truyện cổ Trung Hoa còn nhiều điển tích nổi tiếng liên quan đến cọp. Truyện Thủy Hử kể tích “Võ Tòng đả hổ” . Trong truyện Chinh Đông, Chinh Tây, dưới thời nhà Đường, vua Đường Thế Dân có một võ tướng rất giỏi tên Tiết Nhân Quí, vì cơ duyên được ăn linh đan nên có sức mạnh của chín trâu ba cọp. Tiết Nhân Quí nguyên là sao Bạch Hổ trên trời giáng trần để phò vua Đường dựng nước.

Vì cọp ưa hùng cứ một phương, trông dữ dằn, lại thích bắt súc vật nên người ta thường gọi các tham quan ô lại, cường hào ác bá cậy thể ức hiếp dân chúng tại địa phương là cọp. Nhiều gánh hát cải lương đi lưu diễn tại những địa phương nhỏ cũng phải lo đút lót để tránh nạn “coi hát cọp" tức quịt không trả tiền.

Tuy cọp rất dữ dằn, chuyên ăn sống nuốt tươi khiến ai cũng phải sợ nhưng vì là tượng trưng cho sức mạnh vô song nên lại là một đề tài rất phổ thông trong văn chương cũng như trong các truyện dân gian Việt Nam. Những truyện phiêu lưu, mạo hiểm đường rừng đều ít nhiều nhắc đến cọp như truyện 'Vàng và Máu' của Thế Lữ. Nhà văn này cũng là người được đã nổi tiếng với bài thơ "Hổ Nhớ Rừng" diễn tả tâm trạng của một con hổ bị nhốt trong sở thú.

Văn học Việt Nam cuối triều Lê đầu triều Nguyễn cũng ghi lại nhiều giai thoại liên quan tới nữ sĩ Hồ Xuân Hương và ông Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ. Trong dân gian cũng có nhiều truyện cổ tích liên quan tới cọp, thí dụ truyện "Trí khôn loài người", kể trường hợp một anh nông phu dùng trí khôn để đánh lừa cọp.

sherekhan Qua phương Tây, chúng ta đã biết chuyện Tarzan được bầy khỉ nuôi nên biết leo trèo như khỉ và trở thành chúa sơn lâm; nhưng còn chuyện cậu bé Mowgli trong “Truyện Rừng Xanh” (The Jungle Book) của Rudyard Kipling cũng hấp dẫn không kém. Mowgli bị con hổ gian ác tên là Shere Khan bắt, may thay cậu được báo đen Bagheera cứu rồi gửi cho một gia đình sói nuôi dưỡng. Câu chuyện này đã là nền tảng của bầy Sói Con trong tổ chức Hướng Đạo. Mặt khác, cọp Tigger trong truyện Winnie the Pooh của A. A. Milne, lại là con cọp luôn luôn đem lại may mắn, không phải sự sợ hãi. Gần đây nhất, nhà văn Yann Martel người Canada đã đoạt giải Man Booker Prize năm 2002 với tiểu thuyết “Cuộc Đời Của Pi” (Life of Pi) nói về cuộc phiêu lưu của cậu bé Ấn Độ trên Thái Bình Dương với con hổ Bengal.

tigershark Cá dưới biển cũng có loại mang tên cọp. Cá mập là loài ăn thịt rất hung hãn không thua gì cọp trên đất liền cũng chia ra nhiều chủng loại như cọp. Một trong những loại cá mập mang tên "Tiger Shark" (cá Mập Cọp) vì giống này có răng nanh to và sắc như nanh Cọp. Loại rắn độc và nguy hiểm nhất là rắn hổ. Bươm bướm và sâu bọ cũng có loài mang tên cọp vì có sọc vằn và màu sắc giống như lông cọp.

Các loại bướm như Jersey Tiger, Plain Tiger, Wood Tiger đều có màu sắc và vằn rất rực rỡ. Tiger Beetle với tên khoa học “Cinin-deladae” có sọc và vằn giống như da cọp. Về hoa, có loại “tiger lily tên khoa học là “Lilium tigtinium” và loại “Tigerlilia tembilis” có cánh hoa trông giống như những con cọp nhỏ chụm lại. Những người thường đi du lịch đánh bài hay xem show tại Las Vegas chắc rất quen thuộc với những con cọp trắng tại sòng bài nổi tiếng Mirage.

clemson cheer Nếu ai ưa chuộng thể thao, nhất là món đánh cù (Golf) đều biết đấu thủ nổi tiếng Tiger Wood, người trẻ tuổi nhất đã đoạt giải PGA với số điểm kỷ lục. Tiger Wood là người Mỹ da đen lai Thái Lan. Tên Tiger do cha anh đặt không phải vì anh có bộ vó dữ dằn hay màu da rằn rện giống cọp, nhưng để nhớ đến người bạn lính Việt Nam (nghe nói cấp bậc Đại Tá) đã đánh giặc rất hăng hái nên có biệt danh là cọp khi cùng cha anh chiến đấu tại Việt Nam. Nhiều đội thể thao Hoa Kỳ cũng lấy tên Cọp (Tiger) để dằn mặt đối thủ như đội banh của trường đại học Louisiana State University nổi tiếng với tên LSU Tigers, đội Missouri Tigers hoặc trường Clemson, South Carolina cũng được đối thủ nể vì với tên Clemson Tigers có biểu hiệu độc đáo là hình vết chân cọp oai dũng. Đội banh nhà nghề Cincinnati Bengal cũng rất nổi tiếng với chiếc nón sắt sơn vằn vện như da cọp. Điểm đặc biệt là những đấu thủ Tigers này trông dữ dằn bao nhiêu, thì các Tigress cheerleaders của họ lại càng yêu kiều diễm lệ bấy nhiêu khiến hàng trăm ngàn khán giả vây chặt thao trường vui lòng tình nguyện để được xé xác!

Đối với những chiến sĩ Hải Quân QLVNCH, chắc không xa lạ gì với hải đảo Hòn Cọp (Tiger Island) ngoài khơi Cửa Việt. Cách đất liền chừng vài ba chục hải lý ngay trên vĩ tuyến 17. Hòn đảo này nằm trong lãnh hải Bắc Việt và được gọi là Cồn Cỏ, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Đồng Hới. Đây là một căn cứ rất quan trọng của Việt Cộng dùng để quan sát và theo dõi các hoạt động của chiến hạm Hải Quân VNCH cũng như Hoa Kỳ trong vùng. Đã có một dạo Hải Quân VNCH và Hoa Kỳ phong tỏa hải đảo này khiến lính Việt Cộng trên đảo gần như chết đói vì không được tiếp tế.

Trong cuộc chiến tranh lạnh sau thế chiến thứ hai, lãnh tụ Trung Cộng là Mao Trạch Đông thường xúi bẩy thủ tướng Khrushchev của nước bạn xã nghĩa Nga Sô gây chiến với Hoa Kỳ để Tàu ở giữa hưởng lợi. Mao có lần khích bác lãnh tụ Nga, nói việc gì mà sợ vì “Mỹ chỉ là mới con cọp giấy”. Ý Mao muốn nói Mỹ chỉ dọa nạt chứ không giám gây chiến. Nhưng Khrutchev cũng chẳng vừa gì, biết rằng Mao xúi dại mình, và lực lượng Hoa Kỳ rất mạnh có thể tiêu diệt Nga dễ dàng nên trả lời Mao: “Mỹ đúng là con cọp giấy, nhưng nó có răng nanh nguyên tử". Mao nghe nói cũng sợ luôn, nên dù Trung Cộng có dân sổ trên 1 tỷ người cũng không giám chọc giận con cọp giấy có răng nanh nguyên tử này.

tigerwalk Qua lãnh vực thuốc men trị bệnh, tại Á Đông, người Trung Hoa và Việt Nam vẫn còn lầm tưởng rằng cơ phận của dã thú là những vị thuốc hay làm tăng sức khỏe hay chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Các vua chúa hay người giầu có thường mua sừng tê giác, tay gấu, mật gấu, chân hùm, xương cọp v.v... để chế thành thuốc cho rằng có hiệu lực bồi bổ cơ thể và tăng thêm sức mạnh. Riêng cọp là loài dã thú được giới đông y chú trọng nhất vì tin rằng dùng cọp để làm thuốc sẽ khiến người cũng mạnh mẽ và can đảm như cọp. Có thề nói hầu như cơ phận nào của cọp cũng được các các thầy lang cho là “nên thuốc", vì cọp là một loài vật rất sinh động và hoàn hảo, cơ phận nào cũng được cấu tạo đặc biệt để đạt hiệu năng tối đa nên mỗi cử động đều gọn gàng, chính xác và hữu dụng.

Trong đông y, tròng mắt cọp được dùng để chữa bệnh động kinh, đuôi trị bệnh ngoài da, mật chữa trẻ con sài đẹn. Râu cọp chữa đau răng nhưng khi nghiền thành bột lại là một loại thuốc kịch độc. Tại Đông Dương, người ta tin rằng nếu ăn phải một cụm măng rừng có râu cọp cắm vào chắc chắn sẽ bị xuất huyết trong bụng mà chết lần mòn. Người Indonesia tin rằng râu cọp có mãnh lực trị bệnh bất lực. Óc cọp chữa bệnh lười biếng hay khờ khạo. Xương cọp là vị thuốc phổ thông và được dùng nhiều nhất. Người Trung Hoa đã dùng xương cọp làm vị thuốc từ hàng ngàn năm nay. Thói quen này sau đó lan tràn qua các nước láng giềng như Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam cùng với ảnh hưởng của người Hoa. Xương cọp được nghiền ra thành bột rồi trộn với các vị thuốc bắc khác thành thuốc viên (hoàn) để trị bệnh phong thấp và các bệnh về khớp xương. Xương cọp cũng được dùng để ngâm rượu uống cho tăng cường sinh lực và trị phong hàn cảm mạo. Chúng ta hãy thử tưởng tượng Trung Hoa với gần 2 tỷ dân, nếu mỗi người chỉ cần uống một liều thuốc xương cọp mỗi ngày thì tất cả cọp trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng trong nháy mắt!

Người Việt và Hoa còn dùng xương cọp để nấu cao, gọi là cao hổ cốt có công dụng bổ xương và gia tăng sức khỏe cho những người lớn tuổi, tương tự như sừng nai non (nhung). Xương cọp được cắt thành khúc, ngâm rửa sạch sẽ rồi cho vào nồi nấu thật lâu cho đến khi chảy ra thành chất nhựa màu trong đen như hổ phách. Chất nhựa này sau đó được đổ ra thành từng bánh để khô lại gọi là bánh cao. Người dùng có thể cắt bánh cao này ra thành những mảnh nhỏ để ngậm hay ngâm rượu. Cả người Trung Hoa lẫn Việt Nam tin rằng ăn "cao hổ" sinh lực sẽ được bồi bổ, khí huyết lưu thông, sẽ trở thành mạnh mẽ như cọp! Ngoài cao hổ, đông y còn có loại cao nấu bằng sừng hươu gọi là cao ban long. Sâm, nhung và cao được coi là những vị thuốc đại bổ, có công hiệu chữa trị nhiều chứng bệnh của người già và chống lão hóa..

mongcop Tại Ấn Độ, mỡ cọp được dùng để chữa bệnh cùi và phong thấp. Người Lào. Miên và Việt coi móng và nanh cọp là bùa trừ tà giống như nanh heo rừng. Vì vậy chúng ta thường thấy những nanh cọp, móng cọp được bịt vàng hay bạc bán rất mắc tại các tiệm kim hoàn để các bà mẹ mua về đeo vào cổ cho con cái.

Hiệu quả bồi bổ sức khỏe thật sự của các loại sâm, nhung, cao đơn hoàn tán này ra sao thật rất khó biết và cũng còn tùy theo người dùng. Tuy nhiên chúng ta thấy vì những tin tưởng không bằng chứng đó mà có vô số thú rừng như cọp, gấu, tê giác v.v… bị săn bắt đến gần tuyệt chủng. Ngoài ra, các vua chúa ngày xưa không thiếu gì những của ngon vật lạ để bồi bổ, nhưng ít người sống được tới “ngũ tuần đại khánh”!

Sau những chuyện vừa kể về cọp, nhân dịp đầu năm cũng nên nói qua về vận mạng chung của con người. Năm nay các bà các cô được sao Bạch Hổ chiếu mệnh nên luôn luôn may mắn, trẻ ra, đẹp thêm, trong khi nam phái cần thận trọng nếu không sẽ bị cọp vồ! Nhìn chung về số mạng, cọp là chúa sơn lâm, không dễ bị ăn hiếp! Tuổi cọp sanh ra đã là lãnh đạo, quyến rũ và kiêu hãnh. Tuổi này có tướng mạo oai phong khiến người khác phải tuần phục, đúng như ý muốn. Phái đẹp tuổi cọp dáng dấp quí phái và được nhiều người săn đón. Tuổi cọp khiến cho người khác phái phải mê mệt tức khắc, nhưng cần đầm tánh khi giao du và giải quyết công chuyện. Tuổi cọp “tam hạp” với tuổi Ngọ (con Ngựa) và tuổi Tuất (con Chó), nhưng khắc/kỵ “tứ xung” với tuổi Tỵ (con Rắn), tuổi Thân (con Khỉ) và tuổi Hợi (con Heo).

Về số mạng trong năm, tuổi Dần công việc có chút đổi thay. Tình cảm gia đạo có tin vui, có sự gặp gỡ, đoàn tụ người thân hoặc có đình đám, tiệc vui về hôn nhân, sinh nở. Thuận lợi cho việc đi xa, xuất ngoại, làm ăn. Quan hệ bè bạn, cộng sự đều gặp điều tốt lành, có thêm người trong nhà, công sở, có bạn mới.

Kính thưa quí độc giả, thành thực cám ơn quí vị đã quan tâm theo dõi bài phiếm luận cho tới giờ phút này, hy vọng quí vị đã có những giờ phút không đến nỗi quá nhàm chán trong dịp đầu xuân. Nếu có những lời lẽ hoặc điều gì không hay không phải, mong được miễn thứ. Một lần nữa, kính chúc qúi vị cùng bửu quyến năm mới an khang thịnh vượng, ăn nên làm ra, thắng "bầu cua cá cọp" lớn nếu đi Las Vegas, và sức khỏe dồi dào để yêu đời, yêu mình và yêu người.

hoadao
Chúc Mừng Năm Mới

Trần Đỗ Cẩm
Austin TX - USA


Trở về --->

Free Web Hosting